Cây dừa từng được ví như một “bartender” đại tài, với nước dừa là loại “cocktail thiên nhiên” ngon tuyệt, mát lành, giàu vitamin và khoáng chất. Nước dừa Sài Gòn được bán phổ biến trên những chiếc xe rong ruổi đường dài, hoặc nơi góc đường, nơi quán vắng…
Quê tôi là xứ dừa. Dừa trồng thành vườn, dừa làm ranh giới đất đai, dừa nghiêng mình hai bên vệ đường, nhẫn nại che nắng che mưa cho khách bộ hành. Ở cái xứ ra ngõ gặp dừa như thế, hễ khát, bạn có thể ra ngay sau vườn, chặt xuống một quầy dừa, rồi chẳng cần ống hút hay thìa muỗng gì cho phức tạp, chỉ cần một cái ca nhựa hoặc thậm chí cầm ngay trái dừa vừa chặt, ngửa cổ uống là bạn đã được thưởng thức món nước giải khát ngon tuyệt.
Thế nên khi lên sống tại Sài Gòn, thuở còn bé, tôi cảm thấy khổ sở. Nước dừa không còn “miễn phí” như xưa nữa mà phải mua. Những xe nước dừa ngay nhà thờ Ba Chuông – góc Lê Văn Sỹ và Đặng Văn Ngữ – bỗng trở thành hàng nước giải khát “sang trọng” trong mắt tôi ngày ấy.
Chỉ là những chiếc xe nhôm gỗ đóng cùng một khuôn một kiểu với vài ba chiếc ly thủy tinh dỏm đầy bọt, một thùng đá đựng thứ nước dừa đã pha loãng với nước lạnh, đá cây, đường hóa học, thêm vài lát cơm dừa già nạo sẵn, thế mà tôi luôn chờ đợi mỗi chủ nhật hàng tuần đi lễ để được uống nước dừa nơi ấy. Cứ 2 đồng một ly, có khi “hùn” với bạn bè hai đứa uống chung một ly, ấy thế mà thấy ly nước dừa loãng toẹt đó vẫn ngon tuyệt!
Bây giờ, người thích uống nước dừa có nhiều lựa chọn hơn xưa. Muốn uống nước dừa nguyên chất, chỉ cần chịu khó chờ chốc lát, bạn cũng có thể thấy xe nước dừa đẩy ngang qua nhà. Trên những trục đường rộng và đông người qua lại như Cộng Hòa, Nguyễn Thị Minh Khai, cứ cách một quãng ngắn lại thấy một xe nước dừa.
Từng quầy dừa còn nguyên vỏ chất trên chiếc xe ba gác, dừa ta có, dừa xiêm có, dừa lửa cũng có. Khách hàng thích trái nào có thể chỉ ngay trái ấy. Người bán hàng tay cầm con dao sắt đen sắc lẻm, chặt dừa từng nhát đanh gọn, ngọt xớt. Chỉ sau vài ba nhát dao, trái dừa đã lộ phần sọ, phạt ngang một nhát nữa, cắm chiếc ống hút vô là ẩm khách có ngay thứ nước giải khát vô trùng tuyệt đối, giàu vitamin B và các chất khoáng như kali, magiê… Uống một trái dừa, xem như bạn đã tiếp thu được khoảng 250ml “nước khoáng thực vật”.
Chẳng thế mà khi trời nóng, uống ly nước dừa bỗng thấy người tỉnh hẳn. Trên những chiếc xe dừa như thế còn chất loại dừa đã gọt vỏ sẵn, nhúng qua nước phèn để khử nhựa nên quả dừa trắng phau phau, được xếp thành hình tháp trông càng hấp dẫn. “Kỹ nghệ chặt dừa” của các anh chị bán hàng đã lên đến mức “thượng thừa”, mấy chục trái dừa cứ đều tăm tắp, như thể được xuất xưởng từ một khuôn đúc.
Tuy đã được khuyến cáo không nên uống nước dừa khi đi nắng hay khi mệt trong mình, nhưng những người “ghiền” món “cocktail thiên nhiên” này khó mà cưỡng được ly nước dừa trong lành. Trời càng nóng, càng nhiều người tìm đến hàng nước dừa. Những chiếc xe lúc này không cần rong ruổi chi đường dài, cứ đậu một chỗ dưới tán cây râm mát, khách tấp xe vào, ngồi nguyên trên yên xe hút một hơi nước dừa rồi nhấn ga chạy tiếp.
Có người chỉ ghé để mua về, anh bán hàng vẫn chu đáo gói kèm dăm cái ống hút, vạc sẵn phần đầu, khách về chỉ dùng dao nạy nhẹ, nắp dừa đã bật ra để lộ phần nước trong veo, thơm ngọt. Chỉ 5.000 đồng cho một trái dừa cùng cung cách phục vụ tận tình đến thế, âu cũng là quá rẻ!
Nhưng uống nước dừa dọc đường kiểu ấy, với nhiều người là vẫn chưa đủ. Bởi họ mất đi cái thú nạo từng muỗng cơm dừa trong như thạch, ngọt như đường. Khi ấy, họ lại tìm đến nước dừa pha.
Trước cổng nhà thờ Ba Chuông bây giờ không còn nước dừa pha nữa. Nhưng muốn nhớ lại những ngày xưa cũ, tôi và bạn vẫn thường đi uống nước dừa ở vòng xoay Cộng Hòa, ngay góc đường Cách Mạng Tháng Tám.
Thời giá bây giờ đã khác, tuổi tác chúng tôi cũng khác nên 2.000 đồng một ly được xem là rẻ. Những ngày nắng nóng như thế này, cô hàng nước dừa múc không ngơi tay. Quán hàng cũng chẳng cần ghế bàn gì lích kích, chỉ dăm ba chiếc ghế con thấp lè tè cùng chiếc bàn nhựa, bởi đa số khách vẫn thích ngồi trên xe, vừa uống vừa râm ran trò chuyện.
Niềm vui khi uống nước dừa kiểu này là vớt từng miếng cơm dừa thơm ngọt, đôi khi “vờn” nhau với nước, bởi miếng cơm dừa cứ như chơi trò rượt đuổi, xoay vòng vòng trong chiếc ly mắt na, loại ly phổ biến ở đường phố Sài Gòn. Uống nước dừa pha, bạn không nên dùng ống hút kẻo chuốc lấy sự bực mình bởi ống hút… nghẹt do cơm dừa. Tốt hơn là ngửa cổ uống cái khà như kiểu các ông nhậu uống bia, có thế mới thấy “đã” cơn khát mùa hè.
Sài Gòn còn có nhiều kiểu “biến tấu” điệu đàng của nước dừa. Có thể kể đến dừa tắc, cũng được nhiều người ưa chuộng bởi thích vị chua chua và mùi thơm ngát của vỏ tắc. Hoặc như món rau má nước dừa, cũng đắt hàng không kém bởi kết hợp đến 2 vị thuốc trong cùng một món thức uống. Nhưng những “biến tấu” kiểu ấy cũng còn kén khách, chứ nước dừa nguyên chất, lại đúng loại dừa xiêm dừa lửa ngọt lừ, thì khó có ai từ chối được.
Phần tôi, mỗi khi uống ly nước dừa thanh mát, lại tưởng như nghe đâu đây tiếng rì rào của hàng dừa nô đùa cùng gió trong một buổi trưa hè mắc võng ngồi dưới gốc dừa mát rượi, nơi miền quê xa…
Nguồn: monngonsaigon