Tháng năm nắng mới. Tinh mơ, hàng rượu nếp rao ời ời đầu phố cuối ngõ. Các cụ tóc trắng như sương nhẩn nha nhìn ngắm cái ngọt bùi thấm trong từng hạt nếp. Trẻ nhỏ xúc ba thìa, hết veo, chìa tay xin bát nữa.
Tháng năm nắng mới. Tinh mơ, hàng rượu nếp rao ời ời đầu phố cuối ngõ. Các cụ tóc trắng như sương nhẩn nha nhìn ngắm cái ngọt bùi thấm trong từng hạt nếp. Trẻ nhỏ xúc ba thìa, hết veo, chìa tay xin bát nữa. Những gương mặt hồng lên trong nắng. Và thúng rượu nếp ấp ủ trong nó chút lửa ấm của gạo quê men nồng ngủ ngoan sau xe đạp chị bán hàng rong. Bây giờ rượu nếp bán quanh năm. Nhưng tại sao những gương mặt hồng lên trong nắng mới vẫn cứ là hình ảnh mang tính biểu trưng của rượu nếp?
Bởi vì rượu nếp, mận hậu, nhót chín… vốn chỉ là thứ tầm thường, phải chờ đến ngày Tết Đoan Ngọ, tục gọi là giết sâu bọ mùng 5 tháng 5 â m lịch, mới được nâng lên hàng trân quý. Nếp làm rượu phải là nếp lứt, nghĩa là thứ nếp chỉ giã vừa độ làm rời vỏ trấu, lần cám mầu ngà vẫn còn nguyên. Xôi làm rượu không chỉ đồ có một lần.
Bắc chõ xuống, rưới nước lạnh vào mẻ xôi rồi đem đổ thêm lần nữa. Trãi ra mẹt, đợi cho nguội rồi đơm xôi vào rá tre. Cứ một lượt xôi lại một lượt men, rắc cho đều. Lấy lá sen, lá rong, lá khoai nước mà đậy điệm cho kín ủ trong hương của cỏ cây trời đất, làm gì mà rượu nếp chẳng thơm ngon.
Nếu những hạt nếp mầu vàng ngà nhũn nhặn kia là xương thịt thì những quả men truyền từ đời nọ sang đời kia là linh hồn của rượu nếp. Nhưng quả men làm từ bột gạo trộn với bột của đại hồi, quế chi, thiên niên kiệu, đinh hương, thảo quả, cam
thảo, xương truật, sa nhân… tất thảy ba chục vị thuốc nam. Các bô lão tóc bạc da mồi vắt bột trên mẹt trấu, ủ bằng rơm và lá chuối khô.
Sau hơn một ngày, quả men sần lên như trái cam sành, ngả sang mầu hanh vàng, các cụ đem ra hong gió. Từ đời kiếp nào tới giờ, linh hồn của rượu nếp vẫn được nhào nặn trong lòng bàn tay chai sần của người dân Việt như thế đấy. Rá xôi ủ men xong rồi, vợ chồng con cái thấp thỏm ra ngó vào trông. Nước rượu nhỏ xuống cái thau đồng như những giọt nước đồng hồ đếm thời gian. Cả ba gian nhà, bảy gian bếp ngan ngát mùi hương say nồng.
Ấy là khi rượu nếp đã chín, đã nục. Những hạt nếp vàng nằm trong lòng bát óng ả dầm mình trong nước rượu ngọt lừ có mãnh lực gì mà giết được cả sâu bọ? Không cần băn khoăn nhiều. Xúc một bát mà ăn vào buổi sáng sớm thì tuyệt trần.
Thế nhưng, cổ nhân thường dùng rượu nếp trong những chiếc bát sứ nhỏ xíu, và đôi đũa vót bằng tre cật chỉ nhỉnh hơn cái tăm bông. Vậy mà người viết những dòng này, vốn là kẻ thô lậu từng tần ngần rất lâu trước hàng đồ sứ Bát Tràng, tự hỏi lòng: cái bát bé tin hin này thì ăn cái gì? Câu trả lời gọn lỏn: rượu nếp.
Nguồn: ND