Không biết tự ngàn xưa ai nghĩ ra chuyện bắt con sâu chít ngâm rượu.
Dịp Tết vừa qua đến nhà một người bạn, tôi được anh lôi chai rượu sâu chít ra mời. Anh bảo “rượu Tây, rượu Tàu có đủ cả, nhưng nay tôi mời ông rượu nội, bổ lắm đấy”. Rồi anh nghiêng chai.
Chất rượu trong vắt ánh mầu tơ tằm. Tôi nhấp thử một ngụm nhỏ, không tanh mà còn đậm một vị ngọt. Tôi lơ mơ nghĩ đến cây chổi chít quét nhà. Một cây chổi khoảng mươi mười lăm bông chít. Những rừng chít bạt ngàn từ Hòa Bình lên Sơn La và cuối cùng là Ðiện Biên, cung cấp hàng vạn cây chổi chít mỗi năm.
Lên đây tôi mới biết, người dân ở đây còn có một nghề phụ là sản xuất rượu sâu chít. Người ta vào rừng chít, nhìn cây nào không có bông, đoạn ngọn úa vàng chắc chắn ở đó có con sâu chít. Con sâu chít chính là trứng của bướm trắng. Sâu ăn hết nõn hoa của cây chít thì trở nên béotròn, trắng nẫn. Tôi biết điều đó khi len lỏi qua các bụi chít, phát hiện ra một cây úa. Người ta chặt đoạn chít phình ra có sâu làm tổ, đem về nhà chẻ ra để bắt chú sâu. Một ngày may mắn cũng chỉ được vài ba chục con.
Ðúng là công việc của kiến tha mồi. Chai rượu 65 với non nửa sâu chít, không đếm cũng biết cỡ gần trăm con, bán với giá hai mươi lăm nghìn đồng cũng chứa chất ở đó bao nhiêu công sức lần mò trong đồi núi.
Lần này lên Ðiện Biên, tôi đã nhìn thấy rượu sâu chít có ở nhà hàng, khách sạn, ngoài chợ. Khách quen nhậu không ai là không mua một hai chai.
Cô gái Thái cười “cũng may là bây giờ nhiều khách đến thăm Ðiện Biên để chúng em còn bán
được rượu sâu chít”.
Nguồn: Văn nghệ